Nguồn lực con người là tài nguyên quý giá của doanh nghiệp, việc quản lý con người cần sự phối hợp thực hiện của nhiều bộ phận khác nhau trong phòng nhân sự.
Phòng nhân sự là một phần không thể thiếu của một doanh nghiệp, là nơi phỏng vấn, kiểm tra để tuyển dụng nhân viên mới, là phòng ban phụ trách chăm lo cho đời sống nơi công sở và đưa ra các quyết định liên quan đến phúc lợi của người lao động. Tóm lại, đúng như tên gọi của mình – Human Resources, phòng nhân sự quản lý tất cả những gì liên quan đến nguồn lực con người.
Con người là một trong những tài nguyên quan trọng bậc nhất của mọi tổ chức doanh nghiệp. Cùng với vốn, lao động là yếu tố đầu vào cơ bản cho bất kỳ quá trình sản xuất kinh doanh nào. Ngoài ra, con người cũng có hành vi và tâm lý phức tạp bậc nhất chứ không phải là những cỗ máy được lập trình sẵn và dễ dàng kiểm soát.
Vì vậy việc chiêu mộ nhân tài để củng cố cho đội ngũ lao động của công ty; quản lý con người để đảm bảo cho mỗi cá nhân cảm thấy hài lòng với quyền lợi của mình, thấy thoải mái nhất ở nơi làm việc cũng như phối hợp làm việc với nhau hiệu quả là mục tiêu cuối cùng của phòng nhân sự.
Với trọng trách nặng nề và khối lượng công việc lớn như vậy, doanh nghiệp cần phải chuyên môn hóa các vị trí trong phòng nhân sự để chia thành các bộ phận nhỏ hơn cùng thực hiện một chức năng nhất định, từ đó tối ưu hiệu quả quản lý. Một phòng nhân sự điển hình gồm các bộ phận chính là:
• Bộ phận tuyển dụng (Recruitment)
• Bộ phận lương thưởng và phúc lợi (C&B – Compensation & Benefits)
• Bộ phận hành chính (HR Admin)
• Bộ phận đào tạo và phát triển (T&D – Training & Development)
1. Bộ phận tuyển dụng trong phòng nhân sự
Bộ phận tuyển dụng là bộ phận tìm kiếm và tuyển mộ nhân sự cho doanh nghiệp. Họ sẽ không ngồi đợi ứng viên tới ứng tuyển mà sẽ thực hiện cả công việc của headhunter, những chuyên gia săn đầu người. Bộ phận này sẽ vừa lên kế hoạch tuyển dụng vừa trực tiếp thực thi các chiến dịch tuyển dụng. Vì thế họ sẽ phải rất tỉ mỉ từ khâu chuẩn bị cho đến khâu tiến hành.
Bộ phận tuyển dụng cũng phải phối hợp với các phòng ban khác, tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của từng phòng để quyết định đăng nội dung tin tuyển dụng, thời điểm đăng tin, các kênh sử dụng, hay làm cách nào để thu hút được nguồn ứng viên lớn và có chất lượng tham gia ứng tuyển.
Công việc cụ thể của bộ phận tuyển dụng bao gồm:
• Lập kế hoạch và triển khai công tác tuyển dụng đáp ứng nhu cầu hoạt động, phát triển của doanh nghiệp.
• Đăng thông tin tuyển dụng trên các kênh, cung cấp đầy đủ thông tin cho ứng viên, tiếp cận với ứng viên tiềm năng
• Sàng lọc CV và lưu trữ hồ sơ ứng viên;
• Sắp xếp lịch phỏng vấn cho ứng viên;
• Thực hiện sơ tuyển ứng viên trực tiếp hoặc qua điện thoại.
• Kiểm tra đánh giá năng lực của ứng viên;
• Tổ chức các sự kiện nhằm thu hút nhân sự;
• Xây dựng mạng lưới ứng viên tiềm năng phục vụ nhu cầu tuyển dụng;
• Soạn văn bản, các loại thư từ: thư xác nhận, thư từ chối, báo cáo tuyển dụng;
• Liên kết với các nguồn cung ứng nhân lực chất lượng: Trường Đại học, Cao đẳng, đơn vị đào tạo nghề… phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của đơn vị
• Giải quyết các vấn đề liên quan tới pháp lý trong tuyển dụng.
Trong thời kỳ trước đây, các công việc trên được đảm nhiệm chủ yếu bởi cán bộ tuyển dụng. Ở thời đại 4.0 như hiện nay, nhà tuyển dụng có sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ giúp hiệu quả làm việc tăng rõ rệt. Phần mềm quản lý tuyển dụng là cánh tay đắc lực giúp doanh nghiệp:
Tự động hóa quy trình tuyển dụng
Nâng tầm thương hiệu tuyển dụng giúp thu hút nhiều ứng viên hơn, chất lượng ứng viên cũng cao hơn qua từng thời kỳ
Giảm chi phí tuyển dụng tới 22%
2. Bộ phận lương thưởng và phúc lợi (C&B) trong phòng nhân sự
Trong các bộ phận của phòng nhân sự, C&B là một trong những bộ phận mà mọi công ty dành sự quan tâm nhiều nhất. Nhân viên của Bộ phận này sẽ xây dựng và quản lý hệ thống tiền lương, phúc lợi, khen thưởng và các chính sách khác của công ty. Tất cả những công việc này nhằm đảm bảo tính công bằng về quyền lợi của các nhân viên trong công ty và phù hợp với các quy định của Nhà nước.
Bộ phận C&B được coi là người nắm cán cân thu nhập của mọi nhân viên trong công ty, chính sách tiền lương lại là một trong những mảng quan trọng của nhân sự, vì vậy phòng C&B cần có khả năng xử lý và phân tích các số liệu hiệu quả.
Ngoài việc nắm cán cân thu nhập, C&B còn đảm nhiệm các chính sách phúc lợi của nhân viên. C&B là người sẽ chịu trách nhiệm các vấn đề về chế độ lương, thưởng, đãi ngộ, chính sách phúc lợi, thủ tục pháp lí, lịch làm việc của nhân viên do đó cần nắm vững kiến thức về luật lao động, luật bảo hiểm,… cùng các công văn, nghị định có liên quan.
Các nhiệm vụ cụ thể của C&B:
• Thực hiện công tác chấm công, quản lí việc nghỉ phép, đi trễ, nghỉ việc…;
• Xây dựng bảng lương theo vị trí công việc và năng lực;
• Xây dựng chính sách phúc lợi, đãi ngộ, khen thưởng, kỉ luật, chế độ bảo hiểm, đóng thuế…
• Xử lí những tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động;
• Khảo sát mức độ hài lòng của nhân viên;
• Xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả cho mỗi vị trí công việc, cấp bậc;
• Quản lí hợp đồng lao động và hồ sơ nhân viên;
• Thực hiện các nghiệp vụ về Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
• Tính lương và các chế độ chính sách phúc lợi có liên quan cho nhân viên công ty.
Tương ứng với những nhiệm vụ kể trên, cán bộ C&B cũng có những công cụ hỗ trợ đắc lực giúp việc lập bảng lương, tính lương và chi trả cho cán bộ nhân viên nhanh chóng, chính xác hơn. Phần mềm tính lương và quản lý chính sách phúc lợi cho nhân viên phổ biến nhất hiện nay là AMIS Nhân sự.
Ưu điểm của phần mềm này là tính lương chính xác, tự động gửi phiếu lương trên di động cho nhân viên, xem toàn bộ báo cáo lương thưởng, chính sách, phúc lợi tức thì. Đặc biệt, phần mềm còn kết nối phần mềm kê khai BHXH điện tử, tính và nộp thuế TNCN chính xác cho từng nhân viên.
3. Bộ phận hành chính trong phòng nhân sự
Bộ phận Hành chính có thể coi là “quản gia” của công ty. Họ sẽ chịu trách nhiệm về tất tần tật những giấy tờ, thủ tục, hồ sơ liên quan đến nhân viên, tài sản của công ty.
Bộ phận này thực hiện tất cả công việc liên quan đến hành chính nhân sự (văn phòng phẩm, sắp xếp lịch họp, cuộc hẹn, trực điện thoại…) và cũng có thể kiêm một số nhiệm vụ của các bộ phận khác:
• Quản lý hợp đồng lao động cho nhân viên, hồ sơ nhân viên, định biên nhân sự;
• Hướng dẫn nhân viên mới về hợp đồng lao động, làm rõ về mức lương, chính sách phúc lợi tại công ty.
• Theo dõi, thực hiện các chế độ nghỉ việc hay hết hạn hợp đồng theo quy định.
• Lập báo cáo theo định kỳ và thực hiện các công việc khác theo chỉ thị cấp trên.
• Thực hiện chuyển phát nhanh, giao nhận văn thư, hợp đồng, hóa đơn cho công ty và các phòng ban;
• Quản lí công việc giấy tờ, thủ tục như hợp đồng lao động, bằng khen, thư từ , thủ tục nhận việc, nghỉ việc, hay chấm dứt hợp đồng…
• Mua sắm, theo dõi kiểm kê tài sản công ty, văn phòng phẩm..
• Hỗ trợ tổ chức các sự kiện du lịch, teambuilding trong công ty; xây dựng văn hóa công ty
• Theo dõi nội quy, nề nếp, văn hóa công ty;
Để đảm nhiệm tốt các công việc kể trên, bộ phận hành chính thường sử dụng các ứng dụng số kể sau để số hóa các thông tin, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác hành chính nhân sự. Các phần mềm bao gồm:
Phần mềm quản lý nhân sự: Quản lý hợp đồng lao động, hồ sơ nhân viên, hồ sơ năng lực nhân viên, các thủ tục nhân sự liên quan như nghỉ việc, công tác, …
Phần mềm quản lý và đặt lịch họp
Phần mềm quản lý tài sản
Phần mềm quản lý và lưu trữ tài liệu
4. Bộ phận đào tạo và phát triển (T&D) trong phòng nhân sự
Bộ phận đào tạo và phát triển (L&D) có nhiệm vụ cải thiện hiệu suất của nhóm và cá nhân bằng cách bồi dưỡng kiến thức và mài giũa các kỹ năng cho nhân viên. Đào tạo và phát triển là một trong những chức năng nhân sự quan trọng. Hầu hết các tổ chức xem đào tạo và phát triển là một phần không thể thiếu trong hoạt động phát triển nguồn nhân lực.
Đào tạo là nhằm cải thiện hoặc phát triển năng lực hoặc kỹ năng bổ sung trong một nhân viên trong công việc hiện đang giữ để tăng năng suất và hiệu quả công việc. Bộ phận đào tạo và phát triển cũng tạo ra các cơ hội để giúp nhân viên phát triển xa hơn trong sự nghiệp. Phát triển nhân viên có tính chất dài hạn, có lợi cho nhân viên trong lộ trình phát triển sự nghiệp của họ, trong khi đào tạo có mục đích ngắn hạn hơn đó là cải thiện ngay lập tức công việc hiện tại.
Bộ phận đào tạo và phát triển có một số vai trò như:
• Lên kế hoạch và triển khai các khóa, lớp đào tạo cho nhân viên nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc.
• Xây dựng giáo án đào tạo, đảm bảo kế hoạch đào tạo diễn ra đúng kế hoạch.
• Theo dõi, đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo đã thực hiện.
• Hướng dẫn nội quy, đào tạo nghiệp vụ và phổ biến văn hóa doanh nghiệp cho nhân viên mới.
3 câu hỏi phân loại nhân viên bán hàng giúp doanh nghiệp tuyển được best seller
Phân loại nhân viên bán hàng ngay từ bước phỏng vấn sẽ giúp doanh nghiệp tuyển được những người bán hàng tốt nhất mang lại doanh số cao. Bằng ba câu hỏi được gửi gắm thông qua hai câu chuyện hài hước dưới đây, doanh nghiệp chắc chắn sẽ tìm được đúng người tài cho đội ngũ bán hàng của mình.
Câu chuyện thứ nhất
– Ngày mai con đi cắm trại trong rừng, con cần chuẩn bị gì hả ba?
– Ba nghĩ con cần chuẩn bị đủ đồ đạc, thuốc men.
– Còn gì nữa không ba? Lỡ bị lạc thì sao?
– À quên, vậy nhớ sạc đầy pin điện thoại, cầm theo cục sạc và cái la bàn nữa.
– Đồ của con giờ hơi nhiều rồi, con phải bỏ bớt cái gì đây ba? Hay mang theo hết?
– Mang theo hết đi con.
– Ủa, tại sao vậy ba?
– Ừ, thì ba thấy người ta đi rừng mang nhiều đồ lắm. Chịu cực xíu, mang dư xíu cho đảm bảo con à.
Câu chuyện thứ hai
– Ngày mai con đi cắm trại trong rừng, con cần chuẩn bị cái gì hả ba?
– Con đi rừng nào? Khi nào đi?
– Dạ, con đi rừng Bidoup với 4 người bạn vào giữa tháng sau.
– Tháng sau là cuối mùa mưa, nhưng có thể vẫn còn vài cơn cuối mùa nên con cần mang theo lều bạt, áo mưa, giày chống trợt,…để đề phòng.
– Còn gì nữa không ba?
– Cung đường Trekking ở đây khoảng 27 km và chia thành 2 đoạn rõ rệt. Đoạn dưới là kiểu rừng nhiệt đới, cây cối khá um tùm, lên cao sẽ chuyển thành rừng cây lá kim. Nghĩa là càng đi lên càng lạnh, do đó con phải mang theo áo ấm đủ dày nhưng phải nhẹ, chống nước để tiện di chuyển. Đi hết cung đường này con mất khoảng 2 ngày 1 đêm, thật sự rất mệt nên đừng mang theo quá nhiều đồ đạc.
– Như thế nào ba?
– Con chỉ cần 1 bộ đồ mang trên người trong ngày khởi hành đầu tiên, 1 bộ đồ để thay ra vào tối ngày 1 và 1 bộ đồ dự phòng cho ngày thứ 2 là được. Hạn chế tối đa check in bằng điện thoại vì có thể hết pin. Tốt nhất là mang thêm 1 cái dự phòng và 1 cục sạc 10.000 MAh, 1 cái la bàn. Tất cả phải được sạc đầy. Không nên mang nhiều đồ tươi sống, chỉ mang theo thực phẩm khô dễ chế biến. Bạt, lều thì chỉ cần mang theo 2 cái là đủ cho nhóm 4 – 5 người rồi. Nhớ dự phòng áo mưa, giày chống trượt, thuốc xịt muỗi và 1 hộp thuốc y tế là đủ. Tính ra mỗi đứa chỉ cần đúng 1 cái balo loại vừa.
– Ủa, tại sao mang ít đồ vậy ba? Con thấy người ta mang nhiều lắm.
– Mấy người đó không có kinh nghiệm, đừng có thấy số đông rồi bắt chước. Mang theo cả đống đồ vừa nặng, vừa mệt, chắc chắn không đi hết nổi đoạn đường đâu. Chưa kể mang theo đồ tươi sống quá nhiều thì hoặc là đổ bỏ, hoặc là đi nửa đường thì hết đồ ăn và phải về.
Trong số hai người cha trong câu chuyện kể trên, nên chọn ai là người hướng dẫn?
Câu trả lời không thể nào khác ngoài người cha ở câu chuyện thứ hai. Cách phân loại nhân viên bán hàng cũng như vậy. Bộ ba câu hỏi để phát hiện ra đâu là the best seller chỉ gói gọn trong 3 chữ What, How, Why.
Ba câu hỏi phân loại nhân viên bán hàng
WHAT: Bạn làm gì để đạt doanh số ?
Những nhân viên bán hàng bình thường sẽ trả lời rất chung chung như người cha thứ nhất: Tôi sẽ gặp khách hàng mỗi ngày, sẽ mở rộng mối quan hệ, sẽ thuyết phục họ mua hàng…
Nhân viên bán hàng xuất sắc sẽ trả lời rất cụ thể như người cha thứ hai. Theo như đặc thù ngành, những hiểu biết của tôi về sản phẩm, đối tượng khách hàng của chúng ta đa số là chủ doanh nghiệp. Đây là nhóm khách hàng không bao giờ vội vã xuống tiền nếu không thấy rõ sản phẩm có thể giải quyết được vấn đề của họ. Bên cạnh đó, là người làm kinh doanh nên họ thừa hiểu người bán hàng nào cũng sẽ nói tốt về sản phẩm của mình nên sẽ chỉ muốn gặp người mà họ đủ tin cậy, có thể chỉ rõ vấn đề họ đang gặp phải và tư vấn cho họ giải pháp tổng thể. Chính vì vậy, tôi sẽ làm những việc sau đây để đạt doanh số theo lộ trình 3 tháng, 6 tháng và 1 năm.
Đây chỉ là câu trả lời mẫu, tùy thuộc vào sản phẩm và mỗi lĩnh vực sẽ có sự thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên cách trả lời của hai ứng viên đã phần nào cho chúng ta thấy sự khác biệt rất rõ về nội lực, các yêu cầu đối với nhân viên bán hàng cùng những phẩm chất cần có của nhân viên bán hàng xuất sắc
HOW: Với những mục bạn vừa liệt kê ra, bạn sẽ làm như thế nào?
Người bán hàng bình thường sẽ trả lời như người cha thứ nhất. Khác với chữ What được sao chép dễ dàng, chữ How đòi hỏi ứng viên phải từng làm và làm rất nhiều lần mới có thể trả lời được. Đây cũng là câu hỏi để chúng ta phân loại diễn giả chém gió và thầy xịn, người có thể giúp đội ngũ của chúng ta tiến bộ thật sự. Những ứng viên The Best Seller trong lý thuyết sẽ nói về bước xây dựng mối quan hệ với khách hàng kiểu “Tôi sẽ đi hội thảo thật nhiều, làm quen thật nhiều với khách hàng tiềm năng, sau đó mời họ đi uống cafe, hỏi thăm thường xuyên để duy trì mối quan hệ và bán hàng”.
Còn đây là cách trả lời của những nhân viên bán hàng xuất sắc: “Khách hàng mục tiêu của chúng ta là chủ doanh nghiệp, họ có khuynh hướng tính cách chủ đạo, tâm lý và hành vi như sau. Dựa trên điều này, đây là những thứ có thể làm họ chú ý, đây là kiểu người họ muốn kết giao. Do đó đây là cách tôi sẽ xây dựng mối quan hệ với họ,…. Bên cạnh đó, những chủ đề họ thường xuyên tham dự là xyz nên tôi sẽ làm như sau….
Gần như không thể “chém gió: ở giai đoạn trả lời câu hỏi HOW. Đến đây, những người bán hàng bình thường sẽ kiệt sức dần và lộ diện. Những ứng viên giỏi thật sự, tự cày ải liên tục và đổ rất nhiều công sức để chinh phục mục tiêu sẽ kể cho chúng ta nghe những câu chuyện thật từ hành trình của họ.
WHY: Tại sao là câu hỏi thứ ba để phân loại nhân viên bán hàng
Chủ doanh nghiệp có thể hỏi why ngay sau mỗi câu what hoặc how để biết chính xác ứng viên là The Best Seller kiểu chăm chỉ thuần hay vừa thông minh, vừa chăm chỉ. Những câu trả lời kiểu do công ty cũ làm vậy, do hồi giờ ai cũng làm vậy là kiểu The Best Seller có năng lực vừa phải, cần thêm trải nghiệm và đào tạo để hiểu gốc rễ của những việc đã làm trước kia trước khi thăng hoa. Tùy vào mô hình kinh doanh, tùy vào chiến lược, mục tiêu sử dụng và ngân sách tuyển dụng để có thể lựa chọn 1 trong 2 kiểu The Best Seller.
Bắt bệnh 4 kiểu nhân viên kinh doanh điển hình ảnh hưởng đến thành công của doanh nghiệp
Không khó để phát hiện ra có bốn kiểu nhân viên kinh doanh điển hình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả doanh thu của doanh nghiệp.
Đã khi nào bạn đi khám bệnh kiểu chớp nhoáng tức là từ lúc bước vào phòng khám đến khi bác sỹ chẩn đoán bệnh chi chưa đầy 5 phút? Nếu bán hàng cũng chớp nhoáng kiểu đó thì sẽ ra sao?
Nhân viên kinh doanh (NVKD): Vấn đề của quý khách hàng là gì?
Khách hàng tiềm năng: Chà, chúng tôi đang tìm kiếm một công cụ tự động hóa…
NVKD: Không cần phải giải thích thêm nữa. Chúng tôi có giải pháp hoàn hảo cho bạn. Không có phần mềm nào khác làm được những gì chúng tôi làm.
Liệu có bao nhiêu khách hàng tiềm năng sẽ tin tưởng vào kết luận của bạn? Nếu bạn là nhân viên kinh doanh trong tình huống này, bạn sẽ làm gì? Bạn thậm chí không thể biết họ đang nói về loại tự động hóa nào, chứ chưa nói đến cách họ dự định sử dụng nó. Bạn không biết gì về những trở ngại, quy trình làm việc hay ngân sách hiện tại của họ.
Và đây là những gì khách hàng tiềm năng đó nghĩ về bạn: “NVKD này không thân thiện. Họ không đồng cảm. Họ không thực sự quan tâm đến vấn đề của mình mà chỉ muốn thu được tiền của mình mà thôi”.
Thông thường, dựa vào hành động của nhân viên kinh doanh có thể chia thành bốn kiểu như sau:
Kiểu nhân viên kinh doanh: Thù địch và mạnh mẽ
Loại nhân viên bán hàng mà chúng tôi đang nói đến là những người từng thống trị doanh số bán hàng — kiểu Sói già Phố Wall, những người khiến các khách hàng tiềm năng phải phục tùng họ.
Nhưng mô hình bán hàng đó đang chết dần, và lý do chính là vì các khách hàng tiềm năng ngày nay có nhiều sức mạnh hơn. Tính minh bạch đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi này. Và cũng bởi vì việc tìm kiếm thông tin, xem các đánh giá, phản hồi về sản phẩm của những khách hàng trước dễ dàng hơn bao giờ hết.
Kiểu nhân viên kinh doanh: Thân thiện và yếu đuối
Tôi sẽ kể một câu chuyện có thật như sau. Một trong những đứa con của anh trai tôi không được khỏe, vì vậy chúng phải đến bệnh viện bởi vì bác sỹ gia đình đang nghỉ phép. Họ đã đợi hàng giờ đồng hồ và cuối cùng phải phát điên với một bác sỹ nhi khoa. Tại sao?
Cô ấy đã thực hiện một số kiểm tra sơ bộ, hỏi một vài câu hỏi đơn giản, và kết luận rằng cháu trai của tôi bị nhiễm trùng tai. Nhưng đó không phải là điều khiến anh trai tôi nổi cáu, mà chính xác lý do nằm ở giải pháp của cô ấy: “Anh biết đấy, tôi là một bác sĩ vi lượng đồng căn. Nền tảng của tôi hơi khác so với các bác sĩ khác và tôi không chắc liệu chúng ts có nên điều trị cho đứa trẻ này bằng các biện pháp vi lượng đồng căn hay y học cổ truyền hay không. Có lẽ chúng ta nên đợi một vài ngày nữa để bác sĩ của gia đình anh quay trở lại”.
Và đây là phản ứng của anh trai tôi: “Thật là nhảm nhí. Tôi đã đợi hàng giờ. Hôm nay là chủ nhật. Con tôi đang bị đau. Cho tôi biết phải làm gì. Bạn là chuyên gia ở đây. Tôi đến với bạn để được giúp đỡ ”.
Bán hàng cũng như vậy, khi bạn thân thiện và yếu đuối, bạn gây bất lợi cho khách hàng của mình. Khi khách hàng đã mệt mỏi với kiểu nhân viên kinh doanh thù địch và mạnh mẽ thì cũng không có nghĩa là bạn phải thay đổi theo cách hoàn toàn ngược lại.
Trở thành NVKD thân thiện sẽ mang lại cảm giác tin tưởng cho khach hàng nhưng khi bạn yếu đuối thì đó là một vấn đề lớn. Trong trường hợp bạn chính xác là kiểu NVKD này thì khách hàng sẽ là người điều khiển cuộc trò chuyện và bạn sẽ không bao giờ chốt được bất cứ một giao dịch nào.
Kiểu NVKD: Thù địch và yếu đuổi
Kiểu nhân viên bán hàng này thường khiến khách hàng đau đầu và gây ra thiệt hại nhất cho doanh nghiệp của bạn. Họ điều khiển được cuộc nói chuyện nhưng lại không đưa ra bất cứ một giải pháp đúng đắn nào giải quyết vấn đề cho khách hàng.
Hãy tưởng tượng đến câu chuyện dân gian, bệnh nhân bị đau ruột thừa nhưng bác sỹ lại cho uống nhân sâm. NVKD kiểu này này cũng vậy!
Kiểu NVKD: Thân thiện và mạnh mẽ
Đây chính là kiểu tính cách điển hình của những nhà kinh doanh thành công!
Thay vì vội vàng đưa ra kết luận, họ giống một vị bác sỹ già kiên nhẫn lắng nghe vấn đề của khách hàng, trả lời những thắc mắc của khách hàng và quan tâm đến phản ứng của khách hàng với những kết luận của mình.
Và khi họ chẩn đoán vấn đề của khách hàng, đây là cách họ thường sử dụng: “Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Tôi biết cách khắc phục điều này. Đây là cách chúng tôi sẽ xử lý vấn đề này. ”
Thật tuyệt vời khi có một bác sĩ lắng nghe bạn – người xem xét tất cả các câu trả lời (và các triệu chứng) của bạn – và giải thích một cách mạnh mẽ và rõ ràng chính xác cách họ sẽ khắc phục vấn đề của bạn.
Vậy bí quyết bán hàng thành công chỉ nằm ở việc tiếp cận bán hàng như một bác sĩ thân thiện chăng?
Không hoàn toàn như vậy!
Bạn nên trao quyền và giúp đỡ khách hàng tiềm năng của mình. Rồi bằng những giải pháp hiệu quả vượt trội mà mình biết (chính là sản phẩm mà bạn muốn bán) giải quyết các vấn đề của họ. Đó là cách bạn chứng minh trình độ chuyên môn và xây dựng niềm tin của khách hàng.